Chuyển nhượng doanh nghiệp, người lao động không được biết trước?
Cập nhật:
17/09/2018 16:08
Lượt xem:
860
Chuyển nhượng công ty cho đơn vị khác nhưng vẫn không công khai phương án sử dụng hay giải quyết chế độ cho người lao động theo quy định. Công đoàn và hơn 300 lao động nhiều lần kiến nghị nhưng sự việc vẫn không có kết quả.
Đó là nội dung đơn của đại diện Công đoàn và tập thể người lao động Công ty TNHH General Motors Việt Nam (Công ty GMV), có trụ sở tại đường Ngọc Hồi, Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội gửi đến Báo Công lý.
Trong đơn tập thể người lao động trình bày: Công ty General Motors Việt Nam được thành lập năm 2000, theo Giấy phép đầu tư số 744A/GP do Bộ kế hoạch và đầu tư cấp, hiện có 381 lao động đang làm việc tại đây.
Chuyển nhượng doanh nghiệp, người lao động không được biết trước?
Tháng 4/2018, tập thể người lao động nhận được thông tin (dư luận) Công ty GMV sẽ chuyển nhượng cho một công ty khác tiếp quản, nên vô cùng lo lắng. Sau đó tập thể cán bộ, công nhân công ty đã có thư gửi giám đốc nhân sự GMV về vấn đề nêu trên, nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Tiếp sau đó, tập thể người lao động ở đây cũng chỉ biết được thông tin về viêc công ty đã chính thức chuyển nhượng qua thông cáo báo chí 28/6/2018. Theo thông cáo báo chí này, Công ty GMV đã tiến hành chuyển nhượng và công ty đứng ra mua lại sẽ nhận tiếp quản toàn bộ nhà máy GMV tại Hà Nội.
"Thương vụ chuyển giao được thông cáo sẽ hoành thành sau quý 3 năm 2018. Tuy nhiên, phía Ban giám đốc Công ty vẫn không có buổi họp chính thức nào với người lao động thông báo về tình hình trên. Điều này đã khiến tập thể người lao động rất hoang mang, lo sợ và có thể dẫn đến nhiều hành động tự phát mà Công đoàn chúng tôi khó/không kiếm soát được. Chúng tôi đã trấn an và động viên tập thể người lao động không có bất cứ hành động bãi công, đình công ...vì điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của tập thể người lao động", ông Phan Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn GMV cho biết.
Trước tình hình đó, ngày 06/8/2018, Công đoàn và tập thể người lao động công ty tiếp tục gửi thư (email) đến lãnh đạo công ty GMV về những yêu cầu về vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động khi công ty sẽ chuyển nhượng sẽ như thế nào vẫn không nhận được câu trả lời cụ thể từ phía lãnh đạo công ty. Nhưng câu trả lời nhận được vẫn chỉ là “đang làm việc và phối hợp chặt chẽ với phía công ty mua lại để họ có những thỏa thuận và kế hoạch chuyển tiếp thích hợp tại chỗ…” và yêu cầu kiên nhẫn chờ đợi.
"Thậm chí, giữa tháng 8/2018, ông Ian Anthony – Chủ tịch GMV vùng Đông Nam Á là người đứng đầu và có thẩm quyền của công ty đã đến GMV làm việc nhưng không hề có bất cứ cuộc họp chính thức với Công đoàn GMV và/hoặc bất cứ động thái gì thể hiện sự quan tâm, lo lắng, thắc mắc, mong đợi của tập thể người lao động chúng tôi; né tránh tất cả các câu hỏi của người lao động", ông Hải cho hay.
Sau nhiều lần kiến nghị, ngày 12/9 vừa qua, lãnh đạo công ty GMV mới có buổi làm việc với tập thể người lao động và Công đoàn công ty. Tuy nhiên, theo tập thể người lao động ở đây cho biết, buổi họp diễn ra hết sức ngắn ngủi do bị giới hạn thời gian hỏi và trả lời và buổi họp đã không thành công do phía công ty không trả lời câu hỏi nào liên quan đến việc giải quyết chế độ của người lao động.
Hiện tại 381 người lao động tại GMV rất hoang mang, lo lắng không biết họ sẽ ra sao sau khi công ty được chuyển nhượng. Vì đa phần người lao động ở đây đã gắn bó với công ty từ 10-20 năm.
Báo Công lý cho rằng, phía Công ty GMV phải cung cấp công khai cho tập thể người lao động văn bản chuyển nhượng chính thức mà trong đó có ghi những thông tin chi tiết liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; công khai phương án lao động cho chúng tôi trước ngày 30/9/2018 – trước khi việc chuyển nhượng công ty hoàn tất.
Công ty GMV cần phải có sự bàn bạc, thoả thuận, với cá nhân, tập thể người lao động về những nghĩa vụ chuyển giao và đặc biệt là việc không từ chối nhu cầu mời luật sư đại diện tham gia tại công ty. Bởi phần lớn người lao động đều không hiểu biết đầy đủ về các qui định pháp luật liên quan.
Luật sư Nguyễn Thị Hải Yến (Đoàn LS TP Hà Nội):
Theo quy định của Bộ luật lao động 2012, trước khi chuyển nhượng doanh nghiệp phải thông báo đến người lao động đồng thời công khai các phương án sử dụng lao động, giải quyết các chế độ, chính sách cho người lao động trước và sau khi chuyển giao…Việc Công ty GMV không công khai những vấn đề trên là trái với quy định của pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, Công ty GMV đưa công ty đứng ra mua lại doanh nghiệp vào “các thoả thuận chuyển tiếp thích hợp” là hoàn toàn không có căn cứ pháp lý, bởi người lao động ký hợp đồng lao động với Công ty GMV nên doanh nghiệp này phải có trách nhiệm với người lao động.